0

Chứng biếng ăn tâm lý: Triệu chứng và cách điều trị | Safe and Sound

Chứng biếng ăn tâm lý còn gọi là “cảm thấy chán ăn do lo lắng”. Theo các chuyên gia tâm lý, những người mắc rối loạn tâm lý này thường không chấp nhận rằng họ đang mang căn bệnh này. Thậm chí còn tự hào và thoả mãn với cơ thể gầy gò đó.

Ngô Thị Sáng |Thạc sĩ Giáo dục học – Viện tâm lý và sức khoẻ tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khoẻ Cộng đồng và Phát triển

1. Thế nào là chứng biếng ăn tâm lý?

Chứng biếng ăn tâm lý là một rối loạn tâm lý liên quan tới ăn uống. Người bệnh trải qua nỗi sợ hãi cùng cực về việc tăng cân hoặc lượng mỡ trong cơ thể, công với việc cắt giảm một phần hoặc toàn bộ lượng thức ăn đưa vào cơ thể, dẫn tới việc trọng lượng cơ thể suy giảm nghiêm trọng.

Căn bệnh tâm lý này không phải là một hiện tượng mới xảy ra trong thời đại hiện nay. Theo các chuyên gia tâm lý và bác sỹ tâm thần, chứng biếng ăn tâm lý từ lâu đã là một vấn đề sức khoẻ xảy ra hàng thế kỉ trước. Chứng chán ăn tâm lý khác với hội chứng mất kinh, vốn có nhiều biểu hiện tâm lý lâm sàng tương tự.

Hầu hết những người mắc rối loạn tâm lý này là nữ giới, đặc biệt là những bạn gái trẻ và giới nghệ sĩ trong showbiz; tuy nhiên, hiện nay số lượng nam giới mắc chứng này cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng.

Ảnh 1: Chứng biếng ăn tâm lý

Có 2 loại biếng ăn tâm lý: loại hạn chế tối đa và loại ăn liên tục rồi tống ra ngay. Ở loại đầu tiên, bệnh nhân thường cố hết sức để hạn chế tối đa việc thu nạp năng lượng thức ăn hoặc lượng calorie. Còn loại thứ 2 thì tương tự như những bệnh nhân mắc chứng ăn ói, chỉ khác những bệnh nhân biếng ăn hầu hết thời gian sẽ không ăn hoặc nếu ăn liên tục rồi tìm cách tống ra ngay lập tức, trong khi những người ăn ói có thể bình thường, nhưng có xu hướng tự làm mình ói để giảm lượng thức ăn tiêu thụ.

Theo thống kê, có khoảng 4,2% phụ nữ chịu đựng rối loạn tâm lý này và 4% trong số đó tử vong vì căn bệnh này. Không may là chỉ có 30% số người mắc chứng biếng ăn tâm lý ở Mỹ được chữa trị kịp thời.

2. Triệu chứng của chứng biếng ăn tâm lý

Dựa theo DSM-V, các chuyên gia tâm lý cho biết, một người được chẩn đoán mắc chứng biếng ăn tâm lý nếu họ có những triệu chứng lâm sàng sau:

- Cắt giảm một cách đáng kể nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể, dẫn tới sự sụt cân trầm trọng và cân nặng ở mức thấp báo động theo độ tuổi, giới tính, giai đoạn phát triển và sức khoẻ thể chất. Cân nặng ở mức thấp báo động được định nghĩa là chỉ số cân nặng cơ thể ở mức dưới bình thường hoặc thấp hơn mức cho phép.

- Tâm lý sợ hãi một cách cùng cực việc tăng cân hoặc trở nên béo, hoặc những hành vi trường kì nhằm giảm cân, mặc dù cân nặng đã ở mức thấp báo động.

- Nhìn nhận sai lệch về cân nặng cơ thể hoặc dáng người, ảnh hưởng tới việc tự đánh giá khách quan về trọng lượng và vóc dáng, hoặc thường xuyên quan tâm tới việc trọng lượng cơ thể đang ở mức báo động.

Ảnh 2: Tâm lý sợ hãi cùng cực của người mắc biếng ăn tâm lý

3. Điệu trị chứng biếng ăn tâm lý

Đối với chứng biến ăn tâm lý, các bác sỹ tâm thần và chuyên gia tâm lý điều trị thường hướng tới hai mục đích: giúp bệnh nhân tăng cân đến một chỉ số nào đó, và rộng hơn là giải quyết vấn đề ăn uống.

Để đạt được mục tiêu đầu tiên, đôi khi người mắc chứng biếng ăn tâm lý cần nhập viện nếu không có đáp ứng tốt với việc điều trị nội trú và/hoặc có những nguy cơ trầm trọng (như một bệnh nhân chán ăn có thể sụt nhiều cân tới mức nguy hiểm tới tính mạng). Người mắc rối loạn tâm lý này có thể được đưa vào những cơ sở hay khoa tâm thần, những nơi áp dụng cách tiếp cận quản lý đa chiều (từ bác sỹ tâm thần, chuyên gia tâm lý, bác sỹ, bác sỹ chuyên khoa dinh dưỡng, nhà sinh lý trị liệu).

Trong bệnh viện, người mắc rối loạn tâm lý này sẽ được truyền dinh dưỡng qua ven hoặc bị bắt ăn, hoặc bị bắt tham gia những chương trình trị liệu chuyên biệt để tăng cân. Việc nhập viện cũng giúp ngăn ngừa hành vi tự sát của bệnh nhân, điều trị những bệnh tâm lý nghiêm trọng và cung cấp thuốc hợp lý. Tuy nhiên các chuyên gia vẫn chưa tìm được một loại thuốc lý tưởng. Fluoxetine được dùng hữu hiệu trong can thiệp tái phát sau khi cân nặng được phục hồi. Một vài loại thuốc khác, như SSRIs, các thuốc chống loạn thần và thuốc kích thích vị giác Cyproheptidine cũng đang được sử dụng nhưng lợi ích của những loại thuốc này vẫn chưa được chứng minh.

Ảnh 3: Điều trị chứng biếng ăn tâm lý bằng thuốc

Mục tiêu thứ hai của việc chữa chứng biếng ăn tâm lý đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ những người thân cận của bệnh nhân. Nhiều bằng chứng cho thấy trị liệu gia đình hiệu quả hơn trị liệu cá nhân. Theo các chuyên gia tâm lý, trị liệu gia đình có tác động đáng kể tới những bệnh nhân trẻ mắc rối loạn tâm lý này và còn sống phụ thuộc vào gia đình, đặc biệt là trước khi tình trạng trở lên mạn tính. Hình thức trị liệu này giúp bệnh nhân hiểu được ảnh hưởng của bệnh tới mối quan hệ của họ và gia đình. Bên cạnh phương pháp trị liệu gia đình dưới sự hướng dẫn của chuyên gia tâm lý, sự can thiệp nói chung của gia đình và sự động viên của bạn bè cũng đóng vai trò quan trọng.

Một số phương pháp điều trị cá nhân được các chuyên gia tâm lý sử dụng bao gồm các phương pháp trị liệu tâm lý như CBT tập trung vào điều chỉnh suy nghĩ và hành vi tiêu cực, trị liệu theo hướng nữ quyền- động viên những thiếu nữ trẻ tránh việc áp đặt mù quáng những chuẩn mực xã hội tiêu cực về cái đẹp và tập trung vào vẻ đẹp cá nhân, và liệu pháp tâm động học đã được cải tiến của Bruch (1982) – nhằm điều chỉnh những nhận thức sai lệch về cá nhân.

: Chứng biếng ăn tâm lý: Triệu chứng và cách điều trị | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound