Giỏ hàng của bạn trống!
Các loại rối loạn lo âu thường gặp | Safe and Sound
Rối loạn lo âu là sự sợ hãi, lo lắng quá mức, không có nguyên nhân, do chủ quan của người bệnh và không thể giải thích được hoặc do một bệnh cơ thể, gồm nhiều dạng như rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn hoảng loạn,… Bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều tình trạng rối loạn lo âu cùng một lúc.
Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS
Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển
1. Các loại rối loạn lo âu thường gặp
1.1. Rối loạn lo âu lan toả
Rối loạn lo âu lan toả (GAD) là một loại rối loạn lo âu, đặc trưng bởi tâm lý lo âu mãn tính, lo lắng quá mức và căng thẳng, ngay cả khi có rất ít hoặc không có yếu tố kích động. Sự lo lắng không tương xứng với hoàn cảnh thực tế, khó kiểm soát, ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất. Nó thường xảy ra cùng với các rối loạn lo âu khác hoặc trầm cảm khác.
1.2. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một loại rối loạn lo âu, đặc trưng bởi những suy nghĩ ám ảnh và/hoặc hành vi lặp đi lặp lại mặc dù không mong muốn thực hiện những hành vi đó (hành vi cưỡng chế). Các hành vi lặp đi lặp lại như rửa tay, đếm, kiểm tra hoặc làm sạch thường được thực hiện với hy vọng ngăn chặn những suy nghĩ ám ảnh. Tuy nhiên, việc thực hiện những hành động này chỉ là sự giải toả tâm lý tạm thời.
Ảnh 1: Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một rối loạn lo âu thường gặp hiện nay
1.3. Rối loạn hoảng sợ
Là một dạng rối loạn lo âu biểu hiện bằng những cơn hoảng sợ đến đột ngột và lặp đi lặp lại, trong cơn bệnh nhân cảm thấy sợ hãi tột độ, lo lắng quá mức, tay run rẩy, vã mồ hôi, nghẹt thở, đầu óc quay cuồng, đau ngực. Bệnh nhân nghĩ rằng nếu không đi cấp cứu kịp có thể chết ngay, đó chính là lý do bệnh nhân rất thường xuyên đi cấp cứu.
1.4. Rối loạn căng thẳng sau sang chấn
Đây là một dạng lo âu xảy ra sau khi người bệnh bị một sang chấn về mặt tâm lý: chứng kiến người thân bị tai nạn mất đột ngột, bị cưỡng bức, bị bạo hành, bị chết hụt… Bệnh nhân thường có những cơn trải nghiệm lại, cảm thấy như mình đang sống lại khoảnh khắc kinh hoàng trước đây, hoặc hay mơ lặp đi lặp lại về nội dung sang chấn, hoặc tránh né không muốn nhắc đến sang chấn.
1.5. Rối loạn lo âu xã hội
Là dạng lo âu biểu hiện bằng lo lắng quá mức trong các tình huống xã hội, thông thường như nói trước đám đông, hoặc ăn uống trước mặt người khác…Bệnh nhân thường làm việc một mình thì hoàn thành rất tốt, nhưng làm trước mặt người khác thường run rẩy, hồi hộp, lo lắng làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Thông thường trong lo âu xã hội, bệnh nhân thường có tâm lý lo lắng rằng liệu mình làm có gì đó sai, làm không tốt bị người khác thấy, mình nói sẽ có gì lỗi trước mặt người khác…
1.6. Rối loạn lo âu do thuốc
Rối loạn lo âu do thuốc đặc trưng bởi các triệu chứng lo lắng quá mức hoặc hoảng loạn dữ dội do việc lạm dụng thuốc, uống thuốc, tiếp xúc với các chất hoá học độc hại hay khi ngưng thuốc đột ngột.
1.7. Rối loạn lo âu chia ly (separation anxiety disorder)
Rối loạn lo âu chia ly là tâm lý sợ hãi phải chia ly, rời xa những thứ đã gắn bó, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Rối loạn lo âu chia ly là một phần bình thường trong giai đoạn phát triển của trẻ. Hội chứng này thường xảy ra ở trẻ từ 8-12 tháng tuổi và thường biến mất khi trẻ được 2 tuổi.
2. Triệu chứng của rối loạn lo âu là gì?
Ảnh 2: Các triệu chứng của rối loạn lo âu
Theo các chuyên gia tâm lý, các dấu hiệu phổ biến của rối loạn lo âu bao gồm:
- Cảm thấy lo lắng, bồn chồn hoặc căng thẳng
- Có cảm giác như nguy hiểm sắp xảy ra, hoảng loạn, đôi khi có cảm giác như sắp chết
- Hồi hộp, nhịp tim tăng
- Thở nhanh (tăng thông khí)
- Đổ mồ hôi
- Run sợ
- Cảm giác như mất hết năng lượng, cảm giác không có sức lực hoặc mệt mỏi
- Rắc rối khi tập trung hoặc suy nghĩ về bất cứ điều gì khác
- Khó ngủ
- Gặp vấn đề về đường tiêu hoá
- Lo lắng quá mức, khó kiểm soát lo lắng