Giỏ hàng của bạn trống!
Dấu hiệu của rối loạn lưỡng cực như thế nào? | Safe and Sound
Rối loạn lưỡng cực (hay rối loạn hưng-trầm cảm) là một dạng rối loạn tâm lý đặc trưng bởi những thay đổi về cảm xúc với 2 giai đoạn: giai đoạn hưng cảm và giai đoạn trầm cảm. Theo các chuyên gia tâm lý và bác sỹ tâm thần, nếu không được phát hiện và điều trị, rối loạn tâm lý này có thể dẫn tới những hành vi nguy hiểm, thậm chí tự vẫn.
Ngô Thị Sáng | Thạc sĩ Giáo dục học – Viện tâm lý và sức khoẻ tinh thần SnS
Trung tâm Nghiên cứu Sức khoẻ Cộng đồng và Phát triển
1. Triệu chứng về cảm xúc
Theo các chuyên gia tâm lý và bác sỹ tâm thần, một người mắc rối loạn lưỡng cực có lúc cảm thấy rất “phê” hoặc “phấn chấn”, cảm thấy tốt một cách khác thường. Tuy nhiên, họ cũng rất khó chịu và nhanh chóng trở nên tức giận khi một điều gì đó không xảy ra như cách họ muốn.
Ảnh 1: Cảm xúc vui buồn thất thường của người mắc rối loạn lưỡng cực
2. Triệu chứng về nhận thức
Nhiều bệnh nhân mắc hưng cảm có báo cáo về những ý tưởng lướt nhanh qua tâm trí của họ trước khi họ thậm chí có thể diễn tả được những suy nghĩ đó.
Một số cảm thấy những suy nghĩ như đang tăng tốc. Họ cũng dễ dàng bị các kích thích ngẫu nhiên làm phân tâm, theo báo cáo hoặc quan sát bởi những người xung quanh, và nghĩ rằng họ có thể làm được rất nhiều việc cùng một lúc. Các chuyên gia tâm lý và bác sỹ tâm thần cho hay, sự vĩ cuồng cũng là một đặc trưng của giai đoạn hưng cảm ở những người mắc rối loạn lưỡng cực.
3. Triệu chứng thể lý
Ảnh 2: Giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân cảm thấy tràn đầy năng lượng
Với dạng rối loạn lưỡng cực, người bệnh gặp vấn đề về giấc ngủ trong giai đoạn hưng cảm nhưng người bệnh luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng. Theo các chuyên gia tâm lý, một số bệnh nhân mắc rối loạn lưỡng cực giảm nhu cầu ngủ hoặc không ngủ một chút nào (nghĩa là không thể ngủ hoặc chỉ ngủ có 2 tiếng đồng hồ và cảm thấy đủ năng lượng) và người mắc rối loạn tâm lý này cũng trở nên năng động hơn bình thường, cũng như mức độ hoạt động của họ tăng lên.
4. Triệu chứng hành vi
Trong giai đoạn hưng cảm, người mắc rối loạn lưỡng cực có thể nói chuyện rất nhanh hay cảm thấy bị áp lực cần phải nói. Họ cũng có thể tham gia quá nhiều vào các hoạt động dẫn tới hậu quả tai hại.
Người mắc rối loạn lưỡng cực trong gia đoạn hưng cảm nặng cũng có thể có các triệu chứng loạn thần như ảo giác hay ảo tưởng, và những triệu chứng này đi kèm để phản ứng lại với tâm trạng cực đoan của người đó.
Các chuyên gia tâm lý, bác sỹ tâm thần cho hay, một người trải qua ít nhất một giai đoạn hưng cảm kéo dài ít nhất một tuần, hoặc các triệu chứng hưng cảm rất nghiêm trọng mà họ cần được phải nhập viện và điều trị ngay lập tức thì sẽ được chẩn đoán là rối loạn lưỡng cực loại I. Thông thường, những giai đoạn trầm cảm có thể xảy ra sau đó và kéo dài khoảng 2 tuần.
Những người bị rối loan lưỡng cực loại II sẽ không trải qua một giai đoạn hưng cảm nghiêm trọng như trong rối loạn lưỡng cực loại I. Thay vào đó họ trải qua một giai đoạn hưng cảm nhẹ và một giai đoạn trầm cảm. Các tiêu chí để chẩn đoán giai đoạn hưng cảm nhẹ được các bác sỹ tâm thần và chuyên gia tâm lý cho biết là giống như những tiêu chí được dùng cho các giai đoạn hưng cảm. Tuy nhiên, độ dài và mức độ nghiêm trọng của giai đoạn hưng cảm nhẹ ít hơn so với giai đoạn hưng cảm. Các triệu chứng chỉ cần xuất hiện trong 4 ngày, không cần 1 tuần.
Theo các chuyên gia tâm lý và bác sỹ tâm thần, rối loạn lưỡng cực có thể dễ dàng bị chẩn đoán sai thành rối loạn trầm cảm chủ yếu hoặc tâm thần phân liệt và điều này có thể dẫn tới những kết quả tiêu cực như sự trậm chễ trong việc được điều trị một cách hiệu quả. Những người bị chẩn đoán rối loạn lưỡng cực sai có tỷ lệ nhập viện và cố gắng tự tử cao hơn so với những người được chẩn đoán chính xác (Sajatovic, 2005).