Giỏ hàng của bạn trống!
Dấu hiệu nhận biết bạo hành tinh thần nơi công sở | Safe and Sound
Theo bác sĩ tâm lý, bạo hành tinh thần nơi công sở tuy không gây ra những tổn thương về mặt thể xác nhưng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tinh thần của nạn nhân. Đồng thời, những lời nói, hành vi xúc phạm có thể khiến một người cảm thấy nghi ngờ về năng lực của bản thân.
Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS
Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển
1. Dấu hiệu của bạo hành tinh thần nơi công sở
Bác sĩ tâm lý cho biết, bạo hành tinh thần nơi công sở gây tác hại nặng nề đối với chất lượng cuộc sống nạn nhân và làm giảm hiệu suất công việc. Do vậy, để phòng tránh những hậu quả mà nạn bạo hành tinh thần gây ra thì bác sĩ tâm lý có gợi ý một số dấu hiệu để nhận biết. Nếu một người có các biểu hiện sau thì có khả năng họ đang bị bạo hành nghiêm trọng:
- Luôn cảm thấy căng thẳng, lo lắng, bất an mỗi khi chuẩn bị đến công ty làm việc.
- Có nhiều xu hướng tránh né việc trò chuyện với người khác, nhất là người bạo hành. Hoặc nếu bắt buộc phải trao đổi thì luôn cảm thấy lo sợ, bối rối.
- Khi đến công ty có thể làm gia tăng sự sợ hãi, khiến cho nạn nhân gặp phải các triệu chứng như khó thở, gia tăng huyết áp, ra nhiều mồ hôi.
Ảnh 1: Nạn nhân luôn có cảm giác lo sợ, bất an mỗi khi đến công ty
- Rối loạn giấc ngủ, thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, hay mơ gặp ác mộng, các giấc mơ có thể về những nỗi ám ảnh xuất hiện khi đi làm.
- Cảm thấy mệt mỏi, chán chường, bế tắc sau mỗi lần đi làm về.
- Ám ảnh và sợ hãi mỗi khi nghĩ đến công ty, những đối tượng bạo hành tinh thần của mình.
- Luôn có tâm thế lo sợ, rụt rè, hoang mang, không làm thể hiện hết năng lực của bản thân.
- Cô đơn vì bị tập thể, đồng nghiệp cô lập.
2. Tại sao nạn nhân không thể chấm dứt nạn bạo hành tinh thần nơi công sở?
Bác sĩ tâm lý cho biết, khi một người biết mình bị bạo hành tinh thần nơi công sở, họ sẽ cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi đi làm nhưng họ vẫn duy trì tiếp công việc này. Mỗi người sẽ có một hoàn cảnh khác nhau, có thể họ lựa chọn tiếp tục làm việc vì họ đang cần tiền, công việc này có thể cho họ một mức lương ổn định hoặc họ sợ thất nghiệp. Theo bác sĩ tâm lý, một vài người có thể cho rằng mình thực sự không có năng lực, sẽ không ai nhận mình hoặc cho dù đến công ty khác cũng vẫn có thể bị bạo lực, bắt nạt như thế nên vẫn quyết định ở lại.
Ảnh 2: Dù bị bạo hành, họ vẫn phải tiếp tục duy trì công việc ở trong môi trường toxic
Mặt khác, do liên tục nghe người khác chỉ trích, trách mắng, phê bình thậm tệ về bản thân mà bác sĩ tâm lý khuyến nghị, họ nghĩ rằng mình thực sự vô dụng, bất tài nên cho dù công ty có đổi xử tệ bạc nhưng họ vẫn cố gắng để bám trụ. Một số khác vì bị cấp trên đe dọa, uy hiếp nên không dám phản kháng, chống cự.
Theo bác sĩ tâm lý, nếu liên tục phải chịu đựng những hành vi bạo hành tinh thần ở nơi công sở sẽ khiến cho sức khỏe và tâm lý của nạn nhân dần trở nên suy kiệt. Căng thẳng mất ngủ kéo dài khiến nhiều người bị stress hoặc thậm chí là rối loạn lo âu hay trầm cảm. Bác sĩ tâm lý nhấn mạnh, ở những người bị bạo hành tinh thần tập thể, bị cô lập trên cả công ty, không có ai để chia sẻ thì càng dễ gặp tình trạng này.