0

Làm thế nào để rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc? | Safe and Sound

Cảm xúc thuộc về bản năng, do đó không hề dễ để làm chủ cảm xúc của mình. Nếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc không tốt, chúng ta trở nên dễ kích động và có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống. Rèn luyện kỹ năng này đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực để hình thành nên một tâm lý vững vàng trước bất kỳ dạng cảm xúc tiêu cực nào.

Vi Nguyễn Duy Minh | Chuyên viên - Viện tâm lý và sức khoẻ tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Sự cần thiết của kiểm soát cảm xúc

Cảm xúc của con người vô cùng đa dạng, từ vui vẻ, hạnh phúc đến buồn phiền, tức giận... Cảm xúc có thể thay đổi nhiều lần trong ngày. Đối với những người kiểm soát cảm xúc không tốt, thay đổi này có xu hướng đột ngột và thường xuyên hơn. Họ cũng dễ bị chi phối bởi các cảm xúc tiêu cực và dễ kích động. 

Kiểm soát cảm xúc không phải tìm mọi cách để khống chế và kìm hãm cảm xúc của bản thân. Đó là cách chúng ta đưa cảm xúc (dù tích cực hay tiêu cực) về trạng thái cân bằng. Trong cuộc sống hiện đại, áp lực công việc và các mối quan hệ chồng chéo khiến con người dễ hành động nóng vội, bộc lộ cảm xúc quá mức, thậm chí làm tổn thương các mối quan hệ quan trọng. Kỹ năng kiểm soát cảm xúc tốt giúp duy trì một tâm lý vững vàng, từ đó nâng cao khả năng ra các quyết định liên quan đến cảm xúc.

Ảnh 1: Cảm xúc tiêu cực có thể hủy hoại các mối quan hệ

2. Cách cải thiện khả năng kiểm soát cảm xúc

Ở những tình huống bản thân trở nên dễ kích động, điều đầu tiên cần làm là điều chỉnh các cử chỉ của cơ thể. Một trong những cách làm hiệu quả là thả lỏng và hít thở sâu. Việc này giúp não nhận được nhiều oxy hơn, từ đó ổn định tâm lý và thoát ra khỏi trạng thái dễ kích động.

Việc tiếp theo là thay đổi thái độ nhìn nhận, tránh bị dẫn dắt bởi cảm xúc. Ví dụ, khi bị chỉ trích, chúng ta có thể hít thở sâu và nghĩ về lý do tốt đẹp đằng sau lời chỉ trích. Đây là việc khó nhất trong quá trình kiểm soát cảm xúc, đòi hỏi tâm lý và bản lĩnh vững vàng.

Sau khi đã ổn định tâm lý và suy nghĩ thấu đáo là lúc lựa chọn cách phản ứng phù hợp. Trong cuộc đối thoại, cần giữ thái độ và lời lẽ tôn trọng đối phương. Thay vì phàn nàn hoặc kể khổ, chúng ta có thể tự nhắc nhở bản thân bằng những lời lẽ động viên, khích lệ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khả năng tự động viên bản thân trong những tình huống ngặt nghèo là biểu hiện của người có EQ (trí tuệ cảm xúc) cao.

Cuối cùng là luôn tự tin vào bản thân những sẵn sàng tiếp thu và sẵn sàng sửa đổi. Trên thực thế, người thiếu tự tin thường dễ bị chi phối bởi cảm xúc và không có một tâm lý vững vàng. Vì vậy, việc rèn luyện tác phong và sự tự tin giúp chúng ta phản ứng khách quan trước tác động của môi trường xung quanh và trong các mối quan hệ, từ đó tránh trạng thái dễ kích động và kiểm soát cảm xúc tốt hơn.

Ảnh 2: Tự tin là chìa khóa để kiểm soát cảm xúc

: Làm thế nào để rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc? | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound