0

Nhận biết dấu hiệu của trầm cảm nặng | Safe and Sound

Trầm cảm có thể khởi phát bởi nhiều nguyên nhân khác nhau với các biểu hiện của mỗi bệnh nhân cũng có phần riêng biệt. Thông thường, các biểu hiện của trầm cảm nhẹ chưa quá rõ ràng nên người bệnh hầu như khó phân biệt được. Tuy nhiên, bác sĩ tâm lý nhận thấy, nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm bệnh tình chuyển biến nặng nề hơn, lâu dần phát triển thành trầm cảm nặng. Khi đó, người bệnh sẽ có những biểu hiện rõ ràng, các triệu chứng bệnh cũng xuất hiện liên tục.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Cảm xúc trầm cảm

Chiếm khoảng 90% các trường hợp người bệnh than phiền mình cảm thấy buồn, chán nản, trống rỗng, vô vọng. Bác sĩ tâm lý có thể thấy qua các thay đổi của bệnh nhân về ngôn ngữ, dáng điệu và thông qua các lời kể của chính bệnh nhân. Một số ít bệnh nhân không có triệu chứng cảm xúc trầm cảm thường được gọi dưới tên trầm cảm ẩn. Ở trẻ em thường xuất hiện tình trạng cáu kỉnh, bực bội.

Ảnh 1: Cảm xúc trầm cảm

2. Mất hứng thú

Bác sĩ tâm lý cho biết, triệu chứng này gặp ở hầu hết các bệnh nhân. Bệnh nhân hoặc người nhà khai là người bệnh hình như không còn tha thiết với bất kỳ hình thức hoạt động nào mà trước đó bệnh nhân rất thích như hoạt động tình dục, sở thích, hoặc các công việc hằng ngày.

3. Ăn mất ngon

Theo thống kê của bác sĩ tâm lý, khoảng 70% bệnh nhân có biểu hiện này và kèm theo sụt cân. Một số người lại có cảm giác thèm ăn, nhất là đồ ngọt và có xu hướng tăng cân.

4. Rối loạn giấc ngủ

Khoảng 80% bệnh nhân than phiền mình gặp phải rối loạn giấc ngủ loại. Bác sĩ tâm lý cho biết, triệu chứng thường gặp và gây khó chịu nhất là thức giấc vào khoảng 4 - 5 giờ sáng. Bên cạnh đó, các bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ thường kèm theo rối loạn lo âu. Họ thường nghiền ngẫm, suy nghĩ về các vấn đề trong cuộc sống.

Ảnh 2: Rối loạn giấc ngủ

5. Rối loạn tâm thần vận động

Khoảng 50% bệnh nhân trầm cảm hành vi trở nên chậm chạp, trì trệ. Bác sĩ tâm lý nhấn mạnh, ở các bệnh nhân này, sự chậm chạp còn biểu lộ trong suy nghĩ, lời nói, các cử động cơ thể. Khoảng 75% bệnh nhân nữ và 50% bệnh nhân nam còn kèm theo lo âu với các triệu chứng kích động tâm thần vận động như hay đi tới đi lui, không thể ngồi yên một chỗ.

6. Mất sinh lực

Theo bác sĩ tâm lý, bệnh nhân có các biểu hiện mệt mỏi, cảm thấy không còn sức mặc dù không làm gì nhiều. Một số bệnh nhân còn cảm thấy cạn kiệt sức lực.

7. Mặc cảm tự ti và ý tưởng bị tội

Hơn 50% bệnh nhân tự đánh giá thấp bản thân, thường tự trách mình và khuếch đại các lỗi lầm nhỏ nhặt của mình. Bác sĩ tâm lý khuyến cáo, một số tình trạng nặng có thể dẫn đến hoang tưởng hoặc thậm chí có cả ảo giác.

8. Thiếu quyết đoán và tập trung giảm

Bác sĩ tâm lý cho biết, một số bệnh nhân than phiền trí nhớ kém hoặc không thể tập trung. Ứng xử trở nên lúng túng do họ không thể đưa ra các quyết định. Các trường hợp nặng có thể có tình trạng sa sút giả đặc biệt là ở người già.

Ảnh 3: Giảm khả năng tập trung

9. Ý tưởng tự sát

Trầm cảm nặng khiến người bệnh thường xuyên nghĩ về cái chết. Ban đầu là lo âu, cảm thấy xung quanh sẽ tốt hơn nếu không có mình. Sau đó là lập kế hoạch tự sát. Bác sĩ tâm lý khuyến cáo, nguy cơ tự sát gặp trong tất cả các giai đoạn của bệnh nhưng cao nhất là ngay lúc mới bắt đầu điều trị và khoảng từ 6 - 9 tháng sau khi các triệu chứng cơ thể đã hết.

10. Lo âu

Phần lớn bệnh nhân có biểu hiện lo âu đó là triệu chứng căng thẳng nội tâm, lo sợ, đánh trống ngực, mạch nhanh. Theo các bác sĩ tâm lý, các triệu chứng rối loạn lo âu thường đi kèm với trầm cảm, nên đôi khi rất khó phân biệt bệnh nhân bị trầm cảm hay rối loạn lo âu.

11. Triệu chứng cơ thể

Bác sĩ tâm lý nhận thấy rằng, một số bệnh nhân còn gặp các triệu chứng cơ thể đi kèm như đau đầu, đau lưng, chuột rút, buồn nôn, nôn, táo bón, thở nhanh, thở sâu, đau ngực.

12. Loạn thần

Ảnh 4: Loạn thần

Đó là các triệu chứng ảo giác và hoang tưởng. Các triệu chứng ảo giác và hoang tưởng có thể cùng nội dung phù hợp với trầm cảm hoặc không phù hợp với trầm cảm. Bác sĩ tâm lý khuyến cáo, các bệnh nhân trầm cảm có biểu hiện loạn thần thường khó đáp ứng với điều trị và cũng dễ tái phát hơn.

: Nhận biết dấu hiệu của trầm cảm nặng | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound