Giỏ hàng của bạn trống!
Rối loạn đa nhân cách: Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán | Safe and Sound
Rối loạn đa nhân cách hay rối loạn xác định phân ly là một rối loạn tâm lý đặc trưng bởi việc người bệnh mất khả năng nhớ lại một số thông tin quan trọng về mình, những sự kiện lớn mà không giải thích được bằng từ quên bình thường. Theo các chuyên gia tâm lý, rối loạn tâm lý này phải không xuất phát từ thuốc, chất kích thích hay bất kỳ tình huống y khoa nào để được coi là Rối loạn đa nhân cách.
Ngô Thị Sáng | Thạc sĩ Giáo dục học – Viện tâm lý và sức khoẻ tinh thần SnS
Trung tâm Nghiên cứu Sức khoẻ Cộng đồng và Phát triển
1. Triệu chứng và chẩn đoán
Theo DSM-V, 2013, tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn đa nhân cách bao gồm những yếu tố sau:
Ảnh 1: Triệu chứng của rối loạn đa nhân cách
- Sự chia rẽ nhân cách thể hiện bởi hai hay nhiều trạng thái nhân cách khác biệt mà trong những nền văn hoá khác thường gọi là “bị nhập”. Sự chia rẽ này bao gồm sự gián đoạn đáng kể về ý thức bản thân và ý thức về quyền khống chế đi kèm với những thay đổi về hành vi, ý thức, ký ức, nhận thức hoạt động của hệ thần kinh cảm giác và vận động.
- Những khoảng chống trong kí ức về những hoạt động thường ngày, những thông tin cá nhân quan trọng hay những sự kiện chấn động khác hẳn với hiện tượng quên thông thường.
- Những triệu chứng này khiến cho người mắc rối loạn đa nhân cách cực kì khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc, tâm lý, các mối quan hệ xã hội hay những hoạt động quan trọng khác.
- Rối loạn tâm lý này không phải là một phần trong các hoạt động bình thường được phần lớn các tôn giáo và các nền văn hoá chấp nhận.
- Rối loạn đa nhân cách không phải xuất phát từ thuốc, chất kích thích hay bất kỳ tình huống y khoa nào.
Dựa trên những tiêu chuẩn chẩn đoán này, thật không khó để các bác sĩ và chuyên gia tâm lý chẩn đoán một người mắc rối loạn đa nhân cách. Rối loạn tâm lý này phản ánh sự thất bại trong việc thống nhất tất cả các khía cạnh của tính cách, trí nhớ và ý thức. Mỗi một trạng thái nhân cách có thể trải nghiệm từng khoảng ký ức nhất định và riêng biệt so với các nhân cách còn lại.
Theo các chuyên gia tâm lý và bác sỹ tâm thần, người mắc rối loạn tâm lý này thường thì có một nhân cách chính mang tên thật (tên được ba mẹ đặt và hiện diện trên giấy tờ hành chính) và nhân cách này luôn ở thể bị động, phụ thuộc hay mang cảm giác tội lỗi và trầm uất. Những nhân cách còn lại có tên riêng khác biệt và có tính cách trái ngược hẳn với nhân cách chính. Nếu như nhân cách chính ngoan hiền, vâng lời thì các nhân cách còn lại thường là hung hăng và nổi loạn. Những nhân cách đặc biệt thường hiện ra trong một số tình huống nhất định và tuỳ theo độ tuổi, giới tính, ngôn ngữ, thường thức hoặc có những tác động chiếm ưu thế lên nhân cách chính. Những nhân cách xen kẽ kia chiếm quyền điều khiển liên tiếp nhau (nhân cách chính vừa mất quyền điều khiển là các nhân cách khác lần lượt nổi lên), thường thì những nhân cách này không chấp nhận kiến thức, sự hiểu biết của nhân cách kia, chỉ trích lẫn nhau hoặc xuất hiện cùng lúc. Giữa các nhân cách xen kẽ thì sẽ có một nhân cách mạnh hơn, nắm quyền lãnh đạo và phân phối thời gian cho những nhân cách còn lại.
2. Nguyên nhân gây rối loạn đa nhân cách
Ảnh 2: Nguyên nhân của rối loạn đa nhân cách
Các chuyên gia tâm lý, bác sỹ tâm thần cho biết, rất nhiều nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng rối loạn đa nhân cách phát triển như một cách phản ứng với chấn thương tâm lý, nhất là những chấn thương tâm lý của trẻ em bị bạo hành. Thế nhưng những nghiên cứu mới đây về hậu quả lâu dài của bạo hành trẻ em, người ta tìm được rất ít bằng chứng về việc trẻ bị bạo hành lớn lên sẽ bị rối loạn đa nhân cách. Vì những trường hợp về rối loạn tâm lý này được nghiên cứu dưới từng trường hợp riêng biệt, thế nên không thể tạo ra được kết luận dành chung cho tất cả bệnh nhân. Hơn nữa, chúng ta đa phần dựa vào trí nhớ của người bệnh, mà trí nhớ thì có thể lựa chọn hoặc tái tạo lại bởi người bệnh cho phù hợp với những gì bác sỹ và chuyên gia tâm lý đoán.
Điều này nghĩa là sao? Có hai bộ phim nói về rối loạn đa nhân cách nổi tiếng là “Ba bộ mặt của Eve” và “Sybil”. Ngay khi hai bộ phim này vừa ra đời thì tỷ lệ người mắc rối loạn tâm lý này tăng vọt trong thập niên tiếp theo. Vào năm 1980, khi APA chính thức chấp nhận bệnh thì con số bệnh nhân đã tăng lên đến hàng ngàn, trong khi trước đó bệnh này rất hiếm, chỉ khoảng 100 trường hợp bệnh được ghi nhận trên toàn thế giới trong các nghiên cứu từ trước cho tới năm 1980. Có một trường hợp bệnh nhân nghe y tá nói rằng bác sĩ nghi ngờ bà ta có thể mắc rối loạn đa nhân cách, thế là ba ta thay đổi triệu chứng của mình sao cho giống với triệu chứng của người mắc rối loạn đa nhân cách. Thậm chí, bà còn tự tạo ra một nhân cách khác và đặt tên cho nó. Nhưng bà không trải nghiệm sự đứt đoạn trong ký ức. Trí nhớ của bà vẫn hoàn chỉnh và không hề có dấu hiệu bất thường nào.
Rất ít nghiên cứu tìm ra nguyên nhân của rối loạn tâm lý này. Một giải thuyết gần đây cho rằng những phần rời rạc trong vòng tròn ngủ-thức có thể giúp giải thích triệu chứng của rối loạn tâm lý này. Thí nghiệm về việc giảm giấc ngủ làm tăng trải nghiệm về phân ly và việc cải thiện giấc ngủ làm giảm sự phân ly đó trong một nghiên cứu khác ứng hộ giả thuyết này (Oltmann & Emery, 2014).
Vì những lý do trên mà rối loạn đa nhân cách vẫn còn nắm trong vòng tranh cãi. Nhiều chuyên gia tâm lý và bác sỹ tâm thần cho rằng rối loạn tâm lý này không có thật khi có rất ít bằng chứng về nguyên nhân gây ra nó. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng chấn thương tâm lý dù ít hay nhiều vẫn có ảnh hưởng lên tâm lý và nhân cách người bệnh (Oltmann & Emery, 2014).