Giỏ hàng của bạn trống!
Rối loạn nhân cách gây hấn thụ động: Tưởng không dỗi mà dỗi không tưởng | Safe and Sound
Rối loạn nhân cách gây hấn thụ động là một trạng thái tâm lý phức tạp có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của một người. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về rối loạn nhân cách gây hấn thụ động, dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân của nó.
Phí Thuỳ Linh | Cử nhân Y tế Công cộng – Viện tâm lý và sức khoẻ tinh thần SnS
Trung tâm Nghiên cứu Sức khoẻ Cộng đồng và Phát triển
1. Rối loạn nhân cách gây hấn thụ động là gì?
Rối loạn nhân cách gây hấn thụ động là những hành vi thể hiện cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp, không lộ liễu thay vì công khai thể hiện ra để công kích người khác nhưng không để họ thấy trước tình huống xảy ra.
2. Dấu hiệu nhận biết
2.1. Phủ nhận sự giận dữ nhưng thể hiện một cách gián tiếp
Theo chuyên gia tâm lý, người có hành vi gây hấn thụ động có thể phủ nhận sự tức giận của họ để tránh việc trực tiếp đối diện và cảm thấy không thoải mái với đối phương. Họ có thể trả lời rằng: “Chắc chắn rồi, tôi rất vui!”, trong khi họ làm việc khác hoặc phàn nàn khi hoàn thành nhiệm vụ.
2.2. Phản ứng một cách mỉa mai
Khi có vấn đề xảy ra, họ sẽ biểu lộ sự bất mãn bằng lời nói mỉa mai hoặc những biểu hiện như thở dài, bĩu môi hoặc hờn dỗi, nhưng điều này không thực sự giải quyết được vấn đề trước mắt.
2.3. Trì hoãn
Các chuyên gia tâm lý cho biết, người bị rối loạn nhân cách gây hấn thụ động có thể bày tỏ sự bất mãn của mình bằng cách trì hoãn và không hoàn thành nhiệm vụ được yêu cầu. Đây như một hình thức phản kháng thầm lặng trước điều họ cảm thấy không hài lòng.
2.4. Than phiền khi không được đánh giá cao
Thay vì cố gắng giải quyết trực tiếp vấn đề, họ thường cảm giác có gì đó không đúng, hay bị đánh giá thấp. Khi phải đưa ra giải pháp, họ sẽ tìm cách tránh né để không phải đối diện trực tiếp về một sự cố trong công việc.
2.5. Sự im lặng độc hại
Ảnh 1: Sự im lặng, phớt lờ người khác
Họ như một bóng ma, trốn tránh giải quyết các vấn đề. Thay vì giao tiếp rõ ràng và thẳng thắn, họ lại úp mở, im lặng hay phớt lờ người khác để đối phương tự nhận sai lầm của họ. Đây như là một sự trừng phạt dành cho đối phương.
2.6. Những lời khen có cánh
Theo các chuyên gia tâm lý, những người có hành vi gây hấn thụ động có thể đưa ra những lời khen có cánh để duy trì mối quan hệ thân thiện. Đôi lúc, những lời khen giả tạo lại là sự ghen tị đằng sau đó. Thay vì cảm thấy hạnh phúc cho thành tích của người đó, thì họ lại đưa ra những lời khen mang tính sự đố kỵ.
3. Nguyên nhân của rối loạn nhân cách gây hấn thụ động
3.1. Từ sự nuôi dạy của gia đình
Ảnh 2: Sự nuôi dạy của gia đình
Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng hành vi gây hấn thụ động có thể bắt nguồn từ việc chúng ta được nuôi dạy trong một môi trường mà cảm xúc không được phép bộc lộ trực tiếp. Thay vào đó, chúng ta phải tìm cách thể hiện sự tức giận hoặc thất vọng một cách gián tiếp.
3.2. Vấn đề tâm lý
Nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa trầm cảm và các hành vi gây hấn thụ động đối với bản thân. Nghiên cứu cho rằng điều này là do thái độ và cách phản ứng với các tình huống một cách tiêu cực của họ.
3.3. Hoàn cảnh, tình huống
Một số trường hợp như trong công việc, để giữ được mối quan hệ và để được xã hội chấp nhận, bạn có xu hướng phản ứng một cách yên lặng khi ai đó làm bạn tức giận.
3.4. Cảm giác không thoải mái khi phải đối đầu
Việc quyết đoán và cởi mở về mặt cảm xúc không phải lúc nào cũng diễn ra dễ dàng. Một số người sẽ cảm thấy hành vi gây hấn thụ động có vẻ là một cách dễ dàng hơn thay vì đối phó với cảm xúc bên trong. Họ tránh né và không muốn phải đối mặt với nguồn gốc của sự tức giận.
Rối loạn nhân cách gây hấn thụ động là một trạng thái tâm lý phức tạp có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày. Việc nhận biết dấu hiệu và hiểu nguyên nhân của rối loạn này là quan trọng để tìm kiếm sự hỗ trợ và điều trị phù hợp từ chuyên gia tâm lý.