Giỏ hàng của bạn trống!
Áp lực thi cử ảnh hưởng như thế nào tới sức khoẻ tâm lý của học sinh? | Safe and Sound
Tại Việt Nam, thi cử vẫn được xem là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá năng lực học sinh. Tuy nhiên, chính điều này lại tạo ra áp lực ngày càng lớn khiến nhiều học sinh rơi vào tình trạng mệt mỏi về thể chất và khủng hoảng về tinh thần. Không ít trường hợp đã và đang trải qua các vấn đề tâm lý nghiêm trọng do áp lực thi cử. Trong đó, trầm cảm học đường ngày càng phổ biến. Vậy cụ thể áp lực thi cử ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe tâm lý của học sinh? Hãy cùng phân tích dưới góc nhìn chuyên gia tâm lý.
Ngô Thị Sáng | Thạc sĩ Tâm lý giáo dục học – Ứng dụng chăm sóc sức khỏe tinh thần Safe and Sound
Viện Ứng Dụng Công Nghệ Y Tế
1. Thi cử - nỗi ám ảnh âm thầm với học sinh Việt Nam
Ảnh 1: Thi cử - nỗi ám ảnh âm thầm với học sinh Việt Nam
Mỗi khi mùa thi đến gần, học sinh ở mọi cấp học, đặc biệt là học sinh cuối cấp lại bước vào một “cuộc chiến” thật sự. Không chỉ là những giờ học kéo dài, bài kiểm tra dồn dập, hay kỳ vọng của phụ huynh, mà còn là nỗi lo sợ thất bại, cảm giác mệt mỏi kéo dài và tâm trạng căng thẳng, đôi khi đến nghẹt thở.
Nhiều học sinh chia sẻ rằng, chỉ cần nghe đến từ “thi” đã cảm thấy áp lực, mất ngủ, đau đầu hoặc thậm chí buồn nôn. Một số em rơi vào trạng thái kiệt sức về mặt tâm lý, mất khả năng tập trung, suy nghĩ tiêu cực hoặc có dấu hiệu rối loạn cảm xúc.
Theo các chuyên gia tâm lý, áp lực thi cử là một trong những nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của học sinh, đặc biệt trong bối cảnh xã hội coi trọng thành tích và cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
2. Áp lực thi cử - nguyên nhân hàng đầu gây ra các rối loạn tâm lý ở học sinh
Trong quá trình học tập, thi cử không chỉ là cột mốc kiểm tra kiến thức mà còn là tâm điểm của kỳ vọng, sự so sánh và nỗi lo thất bại. Từ đó, những áp lực vô hình bắt đầu hình thành và ngày càng đè nặng lên tâm trí học sinh.
a. Áp lực từ gia đình
Ảnh 2: Áp lực từ gia đình
Nhiều phụ huynh vô tình tạo ra sức ép tâm lý lên con cái bằng những câu nói như “Thi cho bằng bạn bằng bè”, “Phải đậu trường top đầu”, hay “Chỉ cần con thi trượt thì coi như hỏng cả tương lai”. Những kỳ vọng lớn lao, cộng với sự thiếu lắng nghe, có thể khiến học sinh cảm thấy mình chỉ được yêu thương nếu thành tích tốt. Đây là một niềm tin sai lệch ảnh hưởng sâu sắc đến cảm xúc và lòng tự trọng của các em.
Chuyên gia tâm lý cho biết, cảm giác “mình là gánh nặng” hay “mình không đủ giỏi” là một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến nhiều học sinh rơi vào trầm cảm. Khi thất bại hoặc không đáp ứng kỳ vọng, các em dễ rơi vào vòng xoáy tự trách, sợ hãi và cô lập bản thân.
b. Áp lực từ trường học và xã hội
Trường học hiện nay ngày càng chú trọng đến điểm số và thành tích. Cuộc chạy đua giữa các lớp chuyên, các kỳ thi thử, bảng xếp hạng học lực khiến học sinh luôn sống trong trạng thái “phải hơn người khác”. Những bạn học lực trung bình hoặc học lệch dễ bị gắn mác “kém”, từ đó phát sinh cảm giác tự ti, chán nản.
Ngoài ra, mạng xã hội cũng góp phần làm gia tăng áp lực: hình ảnh bạn bè khoe điểm cao, khoe đậu đại học danh giá… dễ khiến học sinh rơi vào những so sánh tiêu cực, dẫn đến mệt mỏi và khủng hoảng tâm lý kéo dài.
c. Áp lực từ chính bản thân
Không phải học sinh nào cũng bị áp lực từ bên ngoài, nhiều em tự đặt ra những tiêu chuẩn quá cao và ép mình phải đạt được. Cảm giác “phải là người giỏi nhất”, “không được phép sai” chính là nguyên nhân âm thầm tạo ra lo âu, căng thẳng và dễ dẫn tới trầm cảm học đường.
3. Những hệ quả tâm lý khi học sinh chịu áp lực thi cử kéo dài
Áp lực thi cử không chỉ là vấn đề tạm thời, nếu kéo dài và không được giải tỏa đúng cách có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, ảnh hưởng đến cả cuộc sống học đường và tương lai lâu dài của học sinh.
a. Mệt mỏi kéo dài và giảm chất lượng cuộc sống
Ảnh 3: Mệt mỏi kéo dài và giám chất lượng cuộc sống
Việc học hành và thi cử liên tục khiến học sinh không có đủ thời gian để nghỉ ngơi, ăn uống hoặc vận động hợp lý. Lịch học thêm dày đặc, bài kiểm tra nối tiếp nhau khiến nhiều em cảm thấy mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần.
Mệt mỏi mãn tính có thể dẫn đến suy giảm miễn dịch, mất ngủ, rối loạn ăn uống, hay thậm chí là kiệt quệ cảm xúc, những vấn đề ngày càng phổ biến trong học sinh hiện nay.
b. Trầm cảm và lo âu học đường
Chuyên gia tâm lý chia sẻ, ngày càng nhiều ca học sinh THCS và THPT mắc trầm cảm nhẹ đến trung bình, thậm chí có xu hướng tự làm hại bản thân do áp lực học hành. Biểu hiện thường gặp gồm:
- Mất hứng thú với học tập, không còn quan tâm tới kết quả
- Tự ti, thu mình, ngại tiếp xúc với bạn bè, thầy cô
- Hay có suy nghĩ tiêu cực về bản thân, về tương lai
- Khó tập trung, dễ quên, cảm giác “trống rỗng”
- Có những hành vi tự gây tổn thương hoặc suy nghĩ về cái chết
Những dấu hiệu này nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sự phát triển toàn diện của học sinh.
c. Tác động lâu dài đến nhân cách và kỹ năng sống
Trong môi trường học đường, học sinh thường bị so sánh kết quả thi, xếp hạng thành tích và chịu áp lực "phải giỏi". Những học sinh có thành tích kém hoặc không đạt mục tiêu kỳ vọng thường bị mất tự tin, nghĩ rằng mình "vô dụng", "kém cỏi".
Học sinh lớn lên trong môi trường đầy áp lực mà không được hỗ trợ đúng cách có xu hướng hình thành tư duy “chỉ giá trị khi có thành tích”. Điều này gây ảnh hưởng đến lòng tự trọng, làm xói mòn niềm tin vào bản thân, từ đó khó thích nghi với các thất bại và thách thức trong cuộc sống trưởng thành sau này.
4. Cần làm gì để giảm ảnh hưởng tâm lý tiêu cực từ áp lực thi cử
Giảm thiểu tác động của áp lực thi cử đến tâm lý học sinh không chỉ là nhiệm vụ của cá nhân học sinh, mà còn là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và toàn xã hội.
a. Đối với học sinh: Học cách lắng nghe và chăm sóc cảm xúc
Học sinh cần học kỹ năng nhận diện cảm xúc, hiểu rõ giới hạn của bản thân và học cách tự điều tiết tâm lý khi căng thẳng:
- Biết nghỉ ngơi đúng lúc, không học dồn dập
- Ghi nhận nỗ lực thay vì chỉ tập trung vào kết quả
- Chia sẻ với bạn bè, giáo viên, cha mẹ hoặc chuyên gia tâm lý khi cảm thấy quá tải
- Áp dụng các kỹ thuật thư giãn như thiền, hít thở sâu, viết nhật ký cảm xúc
b. Đối với phụ huynh: Đồng hành thay vì gây áp lực
Phụ huynh cần thay đổi góc nhìn về thành công và học cách thấu hiểu con:
- Không đánh giá con chỉ dựa trên điểm số
- Tạo môi trường giao tiếp cởi mở, để con có thể chia sẻ khó khăn
- Tôn trọng cảm xúc của con, đừng gạt đi nỗi lo của con như là chuyện nhỏ
- Cùng con lập kế hoạch học tập hợp lý thay vì ép buộc
c. Đối với nhà trường: Tạo không gian tâm lý an toàn
Trường học cần xây dựng các chương trình hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho học sinh:
- Có chuyên viên hoặc chuyên gia tâm lý thường trực để học sinh có thể tiếp cận khi cần
- Giảm thiểu việc xếp hạng, so sánh công khai trong lớp học
- Đa dạng hóa hình thức đánh giá, không chỉ dựa trên bài thi cuối kỳ
- Tổ chức các buổi hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm, quản lý cảm xúc cho học sinh
Nếu bạn nhận thấy mình cần sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần, hãy bắt đầu bằng cách tìm kiếm một trung tâm hoặc dịch vụ tư vấn tâm lý đáng tin cậy. Bạn có thể lựa chọn tư vấn trực tiếp hoặc tư vấn online, tùy vào điều kiện và mức độ thoải mái của mình. Quan trọng nhất, hãy cởi mở trong việc chia sẻ và đón nhận những hướng dẫn từ chuyên gia.
Với sự phối hợp giữa Bác sĩ Tâm thần - Chuyên gia tâm lý và ứng dụng Công nghệ trong chăm sóc sức khỏe tinh thần, dịch vụ tư vấn/tham vấn Safe and Sound tự hào tiên phong hỗ trợ bạn “Tự phát hiện sớm - Sơ cứu cảm xúc tức thời - Hỗ trợ đồng hành dài hạn”.
Nếu bạn nghi ngờ mình gặp vấn đề tâm lý, hoặc muốn biết thêm thông tin về dịch vụ tham vấn - tư vấn tâm lý, bạn có thể liên hệ tới HOTLINE 0964 778 911 (Điện thoại/Zalo, 24/7) để được giải đáp và hỗ trợ trong thời gian sớm nhất!
CÁCH THỨC ĐẶT LỊCH HẸN tham vấn/tư vấn trực tuyến hoặc trực tiếp với chuyên gia
- Tại Fanpage Bác sĩ tâm lý SNS
- Hoặc tải và đặt lịch tham vấn trên ứng dụng Safe and Sound để quản lý và theo dõi lịch mọi lúc, mọi nơi
Safe and Sound - thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ Y tế (IMT)
Xem thêm:
Dấu hiệu của trầm cảm ở tuổi dậy thì
Cùng bác sĩ tâm lý lắng nghe con: Hiểu về trầm cảm tuổi dậy thì