0

Bác sĩ tâm lý mách bạn 5 cách đồng hành cùng bạn đời vượt qua rối loạn lo âu | Safe and Sound

Bất kỳ cặp đôi nào cũng phải trải qua những thăng trầm cùng nhau để xây dựng mối quan hệ lâu dài. Khi người bạn đời gặp vấn đề về sức khoẻ tâm lý như rối loạn lo âu, bạn là nửa còn lại cũng căng thẳng không kém. Để bác sĩ tâm lý mách bạn 05 cách đồng hành cùng bạn đời trong hành trình vượt qua rối loạn lo âu bạn nhé!

Nguyễn Thị Bình | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Bạn đời bị rối loạn lo âu ảnh hưởng hai chiều đến mối quan hệ

Ảnh 1: Bạn đời mắc rối loạn lo âu cần người đồng hành có kiến thức và tình yêu thương chân thành

Tình trạng rối loạn lo âu của bạn đời có thể ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ của cả hai bạn.

Về mặt cảm xúc, bạn có thể cảm thấy buồn phiền, mệt mỏi, lo lắng hay sợ hãi, chán nản và có những bất mãn với bạn đời đang bị bệnh. Đồng thời bạn cũng thấy có lỗi vì những cảm xúc tiêu cực của mình.

Đối với vấn đề tài chính và những sinh hoạt trong gia đình, bạn có thể phải gánh vác việc nhà nhiều hơn; đưa đón con cái hay cố gắng hơn trong công việc để chu toàn các khoản chi tiêu.

Những dịp vui chơi, giao tiếp xã hội cũng trở nên hiếm hơn vì bạn đời của bạn không muốn gặp gỡ nhiều người. Nếu kéo dài mà không có giải pháp, cuộc sống xã hội của bạn cũng có thể trở nên khép kín hơn.

Người bạn đời đang đấu tranh với những hỗn loạn trong nội tâm nên không dễ để cả hai bạn có thể giao tiếp tìm được tiếng nói chung, cùng giải quyết vấn đề, về lâu dài tạo một khoảng cách vô hình giữa hai bạn.

Những thử thách trên nhiều mặt của mối quan hệ có thể làm bạn lo ngại. Hãy nhớ rằng, khi được điều trị tâm lý thích hợp, người bệnh mắc rối loạn lo âu hoàn toàn có thể làm chủ cuộc sống của họ, có sự nghiệp riêng, giao tiếp xã hội tốt và thích nghi được với lối sống bận rộn.

Do đó, bác sĩ tâm lý khuyên bạn trước khi lao vào tìm cách giúp đỡ người bạn đời, bạn cần hiểu rõ vai trò của mình trong chặng đường vượt qua rối loạn lo âu của họ. Bạn là người đồng hành, là người sẵn sàng bên cạnh khi họ cần, đồng thời cũng là người cần có đủ kiến thức, tình yêu thương và sự cứng rắn phù hợp để khuyến khích bạn đời tự bước đi trên con đường chông gai của họ.

2. Bác sĩ tâm lý mách bạn 05 cách giúp việc đồng hành cùng bạn đời mắc rối loạn lo âu được dễ dàng hơn

2.1. Trang bị kiến thức về rối loạn lo âu

Việc tự trang bị những kiến thức đúng giúp bạn nhận biết được những triệu chứng của rối loạn lo âu để đồng hành cùng bạn đời, giúp họ vượt qua khi những cơn lo âu xuất hiện. Việc hiểu hơn về căn bệnh cũng sẽ giúp bạn tránh những hiểu lầm, định kiến sai lầm về bạn đời của mình, đồng thời bảo vệ bạn khỏi tổn thương hoặc trách cứ bản thân khi có mâu thuẫn xảy ra.

2.2. Lắng nghe, lắng nghe, lắng nghe

Đừng tự cho rằng mình hiểu tất cả mọi thứ diễn ra bên trong tâm trí bạn đời, rằng mình biết tất cả mọi thứ họ muốn. Hãy dành thời gian lắng nghe, thấu hiểu ước muốn, mong mỏi của vợ/chồng. Đó có thể ẩn chứa trong câu nói đùa, câu giận lẫy hay câu chuyện kể về người khác. Một khi cảm nhận được bạn luôn sẵn sàng lắng nghe, họ sẽ mở lòng và học cách giao tiếp với bạn chân thành và tình cảm hơn.

2.3. Khuyến khích bạn đời tích cực củng cố lối sống lành mạnh

Thay vì chỉ trích những triệu chứng của rối loạn lo âu mà họ chưa cải thiện được, chê bai những nỗi sợ của họ, bạn nên chuyển hướng sang tập trung khuyến khích, khen ngợi những thói quen tốt họ đang cố gắng xây dựng. Hơn thế nữa, bạn có thể cùng người bạn đời thực hiện những thói quen lành mạnh như thiền, tập thể dục, cùng nhau trò chuyện, thư giãn. Nhờ sự đồng hành của bạn, người bạn đời mắc rối loạn lo âu sẽ có thêm động lực để duy trì được lối sống lành mạnh, giảm căng thẳng và từng ngày trở thành phiên bản tốt hơn, từng bước vượt qua rối loạn lo âu.

2.4. Khuyến khích bạn đời điều trị với bác sĩ tâm lý

Ảnh 2: Khuyến khích bạn đời điều trị với bác sĩ tâm lý

Trong nhiều trường hợp, người bệnh có thể tự cảm nhận được những triệu chứng của rối loạn lo âu. Đôi khi, thứ duy nhất ngăn cản một người bị rối loạn lo âu tìm đến bác sĩ tâm lý là do e ngại ánh mắt, định kiến của người xung quanh, trong đó có vợ/ chồng mình. Nếu bạn có thể cởi mở chia sẻ, khuyến khích bạn đời rằng điều trị cùng bác sĩ tâm lý là cần thiết và bạn hoàn toàn ủng hộ họ, việc điều trị sẽ trông bớt nặng nề và đáng sợ.

2.5. Chăm sóc bản thân, duy trì lối sống tích cực

Ảnh 3: Bạn cần khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần để đồng hành cùng bạn đời vượt qua rối loạn lo âu

Bên cạnh việc đồng hành cùng bạn đời vượt qua khó khăn, việc chăm sóc bản thân là rất quan trọng và không hề ích kỷ. Bạn không nên cảm thấy tội lỗi, hay buộc mình phải gác lại hoàn toàn cuộc sống để giúp đỡ bạn đời. Bạn chỉ có thể trở thành chỗ dựa vững chắc cho người bạn đời, khi bạn khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần. Đừng để căn bệnh “nuốt chửng" cả hai bạn. Hãy dành thời gian hợp lý cho những sở thích, công việc riêng, giữ liên lạc với gia đình và bạn bè. Khi có thể, hãy trao đổi với bạn đời về cảm xúc, suy nghĩ của bạn khi là một người đồng hành để họ hiểu rằng bạn luôn cố gắng ủng hộ. Trong trường hợp bạn tự nhận thấy mình có dấu hiệu quá mệt mỏi, trầm cảm hay có triệu chứng của rối loạn lo âu, đừng ngần ngại tìm đến bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ.

Xem thêm:

Có nên để bạn thân tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình cho mình?

Làm thế nào để hàn gắn cuộc hôn nhân sau ngoại tình?

: Bác sĩ tâm lý mách bạn 5 cách đồng hành cùng bạn đời vượt qua rối loạn lo âu | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound